Bối cảnh Quỳ_Đông_thập_tam_gia

Năm Thuận Trị thứ 2 (1645), Đại Thuận đế Lý Tự Thành bị hại ở núi Cửu Cung, huyện Thông Thành, Hồ Bắc, dư đảng nghĩa quân chạy về các huyện Hưng Sơn, Quy Châu, Ba Đông, Đại Ninh ở giao giới Tứ Xuyên, Hồ Bắc, liên kết với chính quyền Nam Minh tiếp tục kháng Thanh.

Năm Thuận Trị thứ 4 (1647), Lý Xích Tâm (tức Lý Quá), Cao Tất Chánh (tức Cao Nhất Công) phụng mệnh của chính quyền Nam Minh đánh Kinh Châu hơn tháng, vì quân Thanh tăng viện, không chống nổi, nên chuyển sang đánh Hoành Khảm thuộc Đại Xương, rồi đánh Nhị Đặng Nham thuộc Vu Sơn, giết tri huyện của nhà Thanh, tháng 5 vượt Trường Giang, tiến vào Thi Châu Vệ (Ân Thi), cùng quân đội của Thổ ti địa phương giao chiến ở phía nam thành, dời quân đi Dung Mỹ Tư (Hạc Phong). Năm thứ 5 (1648), dời đến Thi Nam Tư (Lợi Xuyên).

Cùng năm, đại thần nhà Nam Minh là Đổ Dận Tích đến khu vực biên giới Tứ XuyênHồ Bắc, chủ động liên hiệp với quân nông dân chống Thanh, cùng Lý Xích Tâm, Cao Tất Chánh thương thảo vấn đề tấn công quân Thanh ở Hồ Bắc. Các lộ quân đội hăng hái chiến đấu, thu phục các nơi Toàn Châu, Hành Châu của Hồ Nam. Nhưng nội bộ triều đình Nam Minh không đoàn kết, các phe phái phân tranh, tranh quyền đoạt lợi. Tháng giêng năm Thuận Trị thứ 6 (1649), Tương Đàm thất thủ, Hồ Quảng tổng đốc Hà Đằng Giao bị bắt rồi tự sát, Lý Xích Tâm bị bức chuyển đi Quảng Tây, không lâu sau bệnh mất. Cao Tất Chính kế thừa quân đội của Lý Xích Tâm, cùng nhóm Đảng Thủ Tố, Lý Lai Hanh vào năm Thuận Trị thứ 8 (1651), từ Quý Châu chạy sang Tứ Xuyên trở về khu vực biên giới Tứ Xuyên – Hồ Bắc. Cùng năm, Cao Tất Chính bị tướng lĩnh quân nông dân Đại Tây là Tôn Khả Vọng giết hại.